Chán nản với xã hội cạnh tranh và phân biệt đối xử, nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 20 tại Hàn Quốc khao khát một cuộc sống ở đất nước mới.
Kim Min-a (22 tuổi, sinh viên đại học ở Seoul, Hàn Quốc) ấp ủ ước mơ về một cuộc sống tại Đức. Mặc dù đã lên kế hoạch cụ thể, cô không dám chắc điều này có thể trở thành hiện thực.
Nữ sinh tin rằng, chỉ khi nào thoát ly khỏi Hàn Quốc, cô mới có thể sống theo cách mình mong muốn, không phải chịu áp lực từ xã hội đối với phụ nữ trong việc cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Thậm chí cô còn chấp nhận đi du học Nhật Bản vừa học vừa làm, nếu không thể đủ tiền đi du học Đức.
Đa số người tham gia khảo sát cảm thấy chán nản khi sống trong xã hội phân biệt đối xử, cạnh tranh gay gắt cả về ngoại hình, học vị, giới tính và quan hệ cá nhân. |
Để thực hiện kế hoạch sang Đức, Kim lên mạng, tìm kiếm những người cùng chung chí hướng và thành lập nhóm học tiếng Đức.
“Phần lớn các bạn tham gia vì đã chuẩn bị sẵn sàng rời khỏi Hàn Quốc. Một vài người muốn du học, số còn lại cần xin thị thực, sau đó sẽ làm việc như công nhân lành nghề” – Kim cho hay.
Không chỉ học ngoại ngữ, họ còn thường xuyên cập nhật các chính sách nhập cư mới và tìm hiểu cơ hội cũng như cản trở do chính sách đó tạo ra.
Họ cũng đã từng tìm hiểu về các thông tin tuyển sinh du học Nhật Bản trong những năm gần đây.
Cũng như Kim, nhiều người trẻ từ mọi miền xứ sở kim chi hy vọng thoát ly khỏi Hàn Quốc, dù họ chưa sẵn sàng để bỏ lại tất cả. Trên trang Hell Korean, nhiều thành viên chia sẻ các bí kíp để có cuộc sống tại chân trời mới.
Các bài viết như “Các lợi thế của công dân Mỹ” hay “Làm thế nào để nhập cư vào Canada như công nhân lành nghề?” thu hút sự chú ý từ rất nhiều bạn đọc. Một số cá nhân còn gây quỹ ủng hộ những người muốn di cư, hoặc giúp họ tìm hiểu về công việc của người nhập cư.
Một bạn trẻ người Hàn Quốc đang nằm trên tấm nhựa gắn liền với xe kéo để nhổ cỏ ở một trang trại trồng dâu tại Stanthorpe, Australia. |
Một dân mạng nhập cư thành công vào Canada chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi từng làm việc trên một web tại Hàn Quốc. Đây được coi là lĩnh vực tồi tệ nhất trong ngành công nghệ thông tin.
Bạn sẽ không thể tin, tôi gần như kiệt sức vì số giờ làm việc rất lớn. Sau đó, tôi quyết định xin thị thực để sang Canada làm thợ hàn. Lợi ích về y tế, giáo dục tại đây tốt hơn nhiều. Nhưng để được như vậy, tôi phải mất 6 năm được đào tạo và học hỏi kinh nghiệm làm việc”.
Để tìm hiểu sâu về mong ước thoát ly khỏi quê nhà của giới trẻ Hàn Quốc, trung tâm nghiên cứu Hankyoreh và UnivTomorrow đã tiến hành phỏng vấn 215 người trong độ tuổi đôi mươi.
Trong số những người tham gia, 73% cảm thấy cuộc sống tại Hàn Quốc khó khăn đến nỗi họ muốn chuyển đến sống tại một quốc gia khác. 23,7% cho biết, “biến mất” khỏi Hàn Quốc là mong muốn thường trực của họ. Đa số phái đẹp – nhất là những người đang tìm kiếm việc làm và sự đối xử công bằng trong xã hội – đều có chung tư tưởng.
Cuộc khảo sát chỉ ra rằng, 22,8 % giới trẻ muốn sống ở đất nước khác vì họ chán khi sống trong xã hội phân biệt đối xử, cạnh tranh gay gắt cả về ngoại hình, học vị, giới tính và quan hệ cá nhân. Ngoài ra, 18% số người tham gia phỏng vấn cho hay, họ muốn đến miền đất mới có hệ thống phúc lợi xã hội tương xứng với năng lực làm việc hơn ở Hàn Quốc. 12,6% đưa ra lý do họ gặp quá nhiều khó khăn khi tìm việc tại quê nhà.
“Tôi từng sống ở nước ngoài một thời gian. Tôi nhận ra, tại đây, nhiều người không tài giỏi bằng người Hàn Quốc lại được hưởng cuộc sống tốt đẹp và dễ dàng hơn. Không giống như xứ sở kim chi, xã hội ở các nước khác dường như không có sự phân biệt đối xử về vị trí công việc.
Nếu có cơ hội sống ở các quốc gia như vậy, tôi sẽ không phải chịu đựng cảm giác bản thân bị đem ra so sánh với những người khác. Tôi không muốn con cái mình sau này chịu sự cạnh tranh khốc liệt đó” – một bạn trẻ chia sẻ.
Một nhân viên văn phòng (20 tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn) tâm sự: “Không nhất thiết phải sống tại quốc gia khác, tôi chỉ cần có một chuyến đi đến nơi nào đó gần Hàn Quốc là được”.
Tuy nhiên, ước mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn không dễ dàng với tất cả mọi người. Theo kết quả khảo sát đối với nhóm bạn trẻ trong độ tuổi 20, xuất thân từ gia đình nghèo khó, chỉ 47,1% mong muốn sống tại nước ngoài. Trong khi đó, con số này nằm trong khoảng 70-80% đối với các nhóm còn lại.
“Trên thực tế, vì hoàn cảnh sống, nhiều thanh niên không thể rời khỏi Hàn Quốc. Giải pháp của họ là tiết kiệm tiền để chi trả cho một kỳ nghỉ ở nước ngoài – nơi có thể mang lại cảm giác mới lạ, dù chỉ trong một thời gian ngắn” – Kang Jeong-seok, giáo sư môn Nhân chủng và Văn hóa học, ĐH Yonsei cho hay.
Giáo sư Cho Mun-young lại đưa ra giả thiết: “Những người trẻ cho rằng, họ không thể thay đổi tương lai, trừ khi lớn lên trong gia đình thực sự giàu có. Bởi vậy, họ lập ra những chiến lược riêng.
Dường như, nhóm bạn trẻ “có điều kiện”, hoặc những người tốt nghiệp từ các đại học danh tiếng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để trở thành các ứng viên toàn cầu. Trong khi, một số xuất thân trong gia đình không giàu có chỉ cần cố gắng để đi khỏi Hàn Quốc. Đối với họ, như thế là đủ”.
Giáo sư cũng nhắc nhở giới trẻ rằng: “Ngay cả khi trào lưu ‘thoát Hàn’ ngày càng phổ biến, chúng ta vẫn nên cân nhắc kỹ. Đây có thể chỉ là sự khởi đầu”.
Nguồn: ZING.VN
Biên tập: Tuyên Hoàng